Khi các công nghệ như AI, Blockchain dần trở nên phổ biến trong tiếp thị của doanh nghiệp, ngân sách cho quảng cáo trực tuyến dần lấn át truyền hình.
Các nhân vật màu xanh dương hay vàng tươi nhảy nhót và múa hát của Thế Giới Di Động không chỉ thân thuộc với khán giả truyền hình mà các nội dung trào phúng xây dựng từ những nhân vật này cũng đã nổi tiếng trên Internet. Đó cũng là chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp bán lẻ này. Bà Lê Thảo Trang – CMO Thế Giới Di Động bật mí, công ty còn đầu tư cả một studio để chuyên sản xuất các video hướng dẫn nấu ăn, phát sóng trên một kênh dạy nấu ăn được lập ra trên mạng xã hội. Đây là chiêu để tiếp thị cho ngành hàng gia dụng, nhà bếp.
Theo con số thống kê cho biết đến 90% người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng thực tế, nhưng 60% trong số đó sẽ quyết định mua hàng khi đã nhìn thấy sản phẩm ở trên mạng. Như vậy có thể thấy được vai trò vô cùng quan trọng của quảng cáo trực tuyến.
So với các loại hình quảng cáo truyền thống với chi phí đắt đỏ như quảng cáo trên truyền hình hay ngoài trời, quảng cáo trực tuyến đang dần sở hữu nhiều ưu điểm từ chi phí, hình thức đa dạng, tính sáng tạo và tận dụng triệt để các công nghệ mới như AI, Blockchain.
Ngoài ra, các hình thức quảng cáo, tiếp thị trực tuyến ngày này đang dần xóa nhòa ranh giới với việc bán hàng, vì trải nghiệm từ giới thiệu sản phẩm đến bán sản phẩm liền mạch nhờ thương mại điện tử. Các đo lường về hiệu quả chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến cũng dễ thực hiện hơn.
Blockchain mang đến sự minh bạch, đáng tin cậy và tạo nên nhiều giá trị tích cực cho ngành marketing. Theo đó, người dùng có thể quản lý thông tin cá nhân tốt hơn. Các nhãn hàng có thể tiếp cận đúng đối tượng người tiêu dùng hơn. Các báo cáo đo lường hiệu quả marketing sẽ chính xác hơn.
Sự lên ngôi của quảng cáo trực tuyến dường như là hiển nhiên bởi xu hướng của công nghệ và sự lên ngôi của Internet so với truyền hình, đem đến hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp.